Chia sẻ kinh nghiệm “phượt” tại Châu Âu

Chia sẻ kinh nghiệm “phượt” tại Châu Âu

Thứ Hai Ngày 9 Tháng 4 Năm 2012

 

Lần đầu tiên trải nghiệm chuyến “ phượt “ của mình, cả một hành trình di chuyển liên tục có thể khiến bạn hơi nản chí và đôi khi bạn nghĩ rằng khí hậu và vùng đất bạn sắp khám phá không phù hợp với sở thích. Lời khuyên duy nhất dành cho bạn lúc này chính là: Hãy vượt qua suy nghĩ đó và tự mình tận hưởng từng khoảnh khắc trong chuyến đi ! “Phượt” chính là sự đổi mới về trải nghiệm du lịch và những gì bạn có được ở cuối hành trình chắc chắn còn đáng giá hơn những gì bạn mong đợi đấy.

Dưới đây là một số kinh nghiệm giúp bạn chuẩn bị tốt cho chuyến phượt “ của mình :

  • Luôn mang theo địa chỉ hoặc số liên lạc khẩn cấp để đề phòng các trường hợp cần đến như: Thẻ ngân hàng (trong trường hợp bạn bị mất cắp ), công ty bảo hiểm du lịch và đại sứ quán Việt Nam tại nước mà bạn đang du lịch. Có thể bạn sẽ không cần dùng đến chúng nhưng vẫn cứ mang theo cùng sổ passport khi đi du lịch nhé.
  • Nếu bạn đã chuẩn bị phòng nghỉ hay khách sạn, nhớ in địa chỉ khách sạn mà bạn đã đặt sẵn ra trước khi đặt chân đến địa điểm du lịch hay lưu thông tin lại trong điện thoại, kèm theo đó là chỉ dẫn chính xác về đường đi. Nếu gặp khó khăn, bạn có thể đến văn phòng du lịch để nhờ giúp đỡ hoặc mua bản đồ của địa điểm du lịch đó. Điều này không chỉ giúp bạn dễ dàng trong việc di chuyển và tìm kiếm mà còn giúp ích rất nhiều trong việc tiết kiệm  thời gian.
  • Không nên đổi tiền tại sân bay hay các trạm đổi tiền trong thành phố tại các nước Châu Âu do nơi này trừ tiền hoa hồng rất cao. Tốt nhất bạn nên đổi tiền trước tại Việt Nam.
  • Bạn nên mang vừa đủ số tiền để chi trả trong chuyến du lịch hàng ngày, bỏ vào túi nhỏ và để sát người. Nếu đi trong đám đông, bạn nên đặt tay mình lên túi để đảm bảo không có trường hợp mất cắp xảy ra và đừng để ví của bạn lên bàn trong khi ăn uống tại những khu đông dân cư.
  • Sẽ rất tốt nếu như bạn mang nhiều hơn một thẻ ngân hàng để phòng các trường hợp cần thiết như bị mất cắp hay mua thêm quà cho người thân và đừng  quên  cất mỗi thẻ ở những vị trí khác nhau nhé.
  • Bạn không nên cất tiền tại cùng một chỗ mà luôn chia tiền thành từng phần nhỏ và cất giữ ở nhiều chỗ khác nhau. Nếu ra ngoài một mình vào lúc tối, hãy chỉ mang vừa đủ số tiền mà bạn cần.
  • Tổng hợp mọi giấy tờ, thông tin quan trọng về chuyến du lịch rồi tự gửi vào hộp mail của bạn để có thể dễ dàng in lại một bản sao chép khác nếu như bạn làm mất trong chuyến đi. Nên sử dụng tài khoản mail có tính đại chúng như Gmail để bạn truy cập ở mọi một cách thuận lợi , mật khẩu nên kết hợp cả chữ và số, đôi khi cả ký hiệu nếu cần thiết.
  • Nếu bạn mang theo các vật dụng giải trí, đồ công nghệ (camera, laptop, iPhone) thì bạn cần mang theo bộ chuyển áp 220 votls để phù hợp với điện tải tại Châu Âu. Ngoài ra bạn cũng nhớ rằng điện áp tại Anh cũng khác tại các nước Châu Âu, vì vậy tốt nhất là bạn nên mang theo bộ chuyển áp chuyên biệt dành riêng để đi du lịch.
  • Trong trường hợp phòng khách sạn của bạn không có khóa thì bắt buộc bạn phải mang theo mọi vật dụng giá trị như điện thoại hoặc laptop bên người. Khi ở trong khu nhà tập thể hoặc ra ngoài, nên mang theo ổ khóa và dây xích nhỏ để khóa hành lý, điều này sẽ giúp bạn giữ gìn và quản lý hành lý kỹ càng hơn. Ngoài ra bạn không nên mang theo laptop mới khi đi du lịch.
  • Hầu hết mọi thành phố tại các nước Châu Âu đều có “free walking tours” (du lịch bằng cách đi bộ). Hãy tham gia! Đây cũng là cách tận hưởng tuyệt vời để khám phá một vùng đất mới, một nền văn hóa mới. Tất nhiên, chuyến đi này không hẳn là miễn phí hoàn toàn , điều đó tùy thuộc vào việc bạn có chi tiền tips cho nhân viên hướng dẫn hay không (khoảng 5 -10 euros). Mỗi chuyến du lịch như thế này kéo dài khoảng 3 tiếng.
  • Ở các nước Châu Âu luôn có rất nhiều chương trình giảm giá cho sinh viên.  Vì vậy, bạn đừng bao giờ quên mang theo thẻ sinh viên bên mình nhé! (Các chương trình giảm giá chỉ áp dụng cho thẻ sinh viên còn thời hạn).
  • Hầu hết mọi du khách đều thân thiện và mong muốn được kết thêm nhiều bạn trong chuyến đi. Đừng ngại tự giới thiệu về bản thân mà thay vào đó hãy giới thiệu về mình với tất cả mọi người bạn có cơ hội gặp mặt (tại khách sạn bạn ở hay khách đi chung hành trình). Bạn sẽ rất bất ngờ với số lượng “chiến hữu” mới mà bạn vừa làm quen đấy !
  • Mỗi khi di chuyển bằng taxi, bạn phải đảm bảo rằng tài xế taxi đã điều chỉnh lại số km trước khi xe lăn bánh để chắc rằng bạn không muốn ngạc nhiên về số tiền bạn phải trả cho chuyến đi.
  • Đừng mang theo đồng hồ đắt tiền khi đi “phượt” mà thay vào đó hãy chọn cho mình một chiếc đồng hồ rẻ tiền bình thường vì bạn chỉ dùng nó để xem giờ thôi.
  • Đọc trước thông tin và các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm du lịch mà bạn đã đăng ký để biết rõ những khoản trợ cấp/ bồi thường nào bạn sẽ được hưởng nếu như có trường hợp bất trắc xảy ra. Tốt nhất là bạn nên mang theo thẻ bảo hiểm bên người trong mọi trường hợp.
  • Nếu bạn dự định chỉ ghé thăm một hoặc hai nước Châu Âu cho chuyến du lịch ngắn ngày, lựa chọn tốt nhất là bạn nên mua trước vé đi lại bằng các phương tiện công cộng sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định vì sẽ rẻ hơn giá vé mua tại chỗ chỉ sự dụng 1 lần (gần giống giá vé xe bus tại Việt Nam).