Văn hóa ẩm thực Châu Âu

Văn hóa ẩm thực Châu Âu

Các món ăn Châu Âu luôn được những người sành ăn ngưỡng mộ bởi sự hài hòa, tinh thế, đơn giản mà sang trọng. Thực khách luôn bị mê hoặc bởi vị béo bùi của phô mai, độ ngậy của sữa, vị đậm đà của rượu và sự phong phú của các loại gia vị được chế biến theo nhiều công thức rất riêng đậm chất Tây phương.
Tuy mỗi nước đều có những món đặc sản riêng biệt nhưng nói chung ẩm thực tại các nước Châu Âu đều mang hương vị đặc trưng riêng so với ẩm thực của các châu lục khác. Khác với cách nấu ăn truyền thống của các nước Châu Á, trong ẩm thực Châu Âu, thịt là thành phần nổi bật hơn cả. Trong đó, thịt bò và thịt cừu là những nguyên liệu chế biến chủ yếu trong mọi món ăn. Các đầu bếp Châu Âu cũng đề cao việc chế biến nước sốt để tăng thêm hương vị vì khẩu phần thịt trong mỗi món ăn thường khá lớn nên khả năng thấm gia vị thường không cao. Các sản phầm sữa thường xuyên được sử dụng trong quá trình nấu ăn. Ngũ cốc và bánh mì từ lâu đã được sử dụng để dùng kèm với các món ăn, cùng với mì và các loại bánh ngọt. Ngoài ra, khoai tây cũng là nguồn cung cấp tinh bột chính trong chế độ ăn uống của người Châu Âu
Dưới đây là một số món ăn và thức uống mà bạn không thể không nếm thử khi đặt chân đến Châu Âu.
Pizza

Pizza và mì ống dường như trở thành một biểu tượng ẩm thực độc đáo mang phong cách Ý, có được sự nhận biết toàn cầu. Chiếc bánh pizza là sự kết hợp hoàn hảo của bột bánh mịn, lớp vỏ bánh mỏng được nướng đều tay tạo thành lớp áo giòn thơm ngon, phủ phía trên là một lớp phô mai mozzarella vàng óng, béo ngậy và một ít lá thơm. Chính vì sự hòa quyện một cách tuyệt vời giữa các hương vị mà chiếc bánh trở nên đặc biệt nổi tiếng, và là biểu tượng cho phong cách ẩm thực Ý.

Tiền thân của pizza là những chiếc bánh làm bằng bột mì được nướng trên những phiến đá phẳng và nóng. Khoảng 1000 năm trước, tấm bột mì nhào hình tròn có rắc lá thơm và gia vị lên trên xuất hiện và trở niên phổ biến tại Napoli, Ý. Dần dần, người dân ở Naples ở Ý đã tiếp tục thay đổi nó, họ cho thêm thịt làm nhân bánh. Cùng với thời gian và quá trình du nhập qua các vùng văn hoá khác nhau mà Pizza ngày nay mang đủ mọi sắc mầu, theo khẩu vị của mỗi vùng. Bánh thường có hình tròn nhiều kích cỡ, thường được ghi trong thực đơn gồm lớn L (large), M (medium) và S (small). Mặt trên bánh thường có nhiều loại nhân khác nhau tạo thành nhiều màu sắc thật hấp dẫn.
Phô mai

Một loại thực phẩm mà bạn không nên bỏ qua tại Châu Âu, đó là phô mai. Phô mai tại đây có đến hàng ngàn loại, đa dạng về hình thức lẫn mùi vị. Bạn có thể tìm thấy các loại phô mai từ cứng, hơi cứng, mềm, đến những loại chảy và thậm chí có những loại lên mốc tại các cửa hàng phô mai ở Châu Âu.

Có hai khuynh hướng làm phô mai: từ sữa tươi tiệt trùng và sữa tươi nguyên chất. Phô mai làm từ sữa tươi tiệt trùng tuy có vẻ vệ sinh hơn nhưng không có mùi vị đậm đà bằng thứ sữa tươi mới vắt không khử trùng. Còn các loại La Vache Qui Rit, Gros Jean… là phô mai mềm, không có quá trình ủ lên men trong một thời gian lâu (6 tháng trở lên) và ngừơi sành ăn không chuộng loại này.

Ở Anh , bạn có thể tìm thấy phô mai Stilton – loại phô mai xanh ngon nhất thế giới và mang mùi vị rượu Porto mà không nơi đâu sánh kịp. Còn ở Ý, có nhiều chủng loại phô mai hơn , các loại thông dụng như Gongozola, Parmesan, Mozzarella. Các loại Broccio, Ricotta và Caciocavallo từ sữa ngựa. Còn Provolone làm bằng sữa trâu.

Ở Pháp, vùng nào cũng có đặc sản về phô mai. Nhìn những đàn cừu nhởn nhơ gặm cỏ vùng Roquefort, ta liên tưởng đến loại phô mai nặng mùi trứ danh Roquefort. Vùng Morvan đã sản xuất phô mai Époisse béo ngậy thơm mùi cỏ dại. Còn sữa dê Sancerrois để lại vị chua chua cho phô mai Chavignol.
Bia

Bia là một trong các đồ uống lâu đời nhất mà loài người đã tạo ra, có niên đại ít nhất là từ thiên niên kỷ 5 TCN, sự bổ sung hoa bia vào bia để tạo vị đắng, bảo quản và hương vị cho bia là một phát kiến tương đối mới tạo nên bước ngoặt lớn cho thứ đồ uống quyến rũ này.

Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết ở một số thành phố, bia đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống của người dân địa phương…

Thành phố bia” nổi tiếng nhất nước Đức là Munich. Thủ phủ của xứ Bavaria này đang giữ 4 kỷ lục thế giới về bia: có nhà máy sản xuất bia Neihengqidisen lâu đời nhất thế giới, ra đời vào những năm đầu thế kỷ 11; có quán bia Mardishi lớn nhất thế giới với 5.500 chỗ ngồi, mỗi ngày bán ra khoảng 48.000 lít bia; có trường Đại học bia duy nhất trên thế giới, đào tạo cử nhân, tiến sĩ về sản xuất bia cho các nước; tiêu thụ nhiều bia nhất thế giới – 180 bia/năm/người. Đặc biệt hơn cả là lễ hội bia nổi tiếng Oktoberfest diễn ra vào tháng 10 hằng năm thu hút khoảng 7 triệu du khách tham gia, tất cả quán bia trong thành phố đều không còn chỗ trống với tiếng “cạn ly” vang lên liên tiếp.

Trong khi đó, vùng Brabant của Bỉ có cả một bảo tàng quốc gia để triển lãm nguồn gốc các loại bia và phong cách bia các nơi trên thế giới. Đây cũng là nơi sản xuất loại bia truyền thống Lambic – bia được tạo ra từ loại men hoang dã và trải qua quá trình lên men tự nhiên, được trữ lâu dưới các hầm nhỏ không khác gì rượu vang hảo hạng. Ngoài những loại bia uống thường ngày, Bỉ còn nổi tiếng là xứ sở sản xuất những loại bia theo mùa như Gouden Carolux Christmas của hãng Gouden Carolus, Scaldis Noel Premium của hãng Scaldis… được sản xuất nhân dịp lễ Giáng sinh.

 

Lễ hội bia Oktoberfest tại Munich – Đức thu hút hàng triệu người tham gia

 

 

 

Rượu vang

Rượu vang, loại rượu được chiết xuất chính từ nho, có thể khiến nhiều người bị thu hút bởi sự quý phái và đa dạng mùi vị. Rượu vang được hình thành là do sự lên men của các quả nho và được phát hiện một cách tình cờ. Việc trồng nho và uống rượu vang đã bắt nguồn từ khoảng 4000 năm trước công nguyên.

Rượu vang tốt cho tiêu hóa và làm tăng hương vị món ăn vì thế nó thường xuất hiện trên các bàn tiệc Nói tới rượu vang, người ta nghĩ ngay tới nước Pháp. Một nước đứng đầu trên thế giới về các loại rượu nói chung và đặc biệt là rượu vang. Thế nhưng, đối với những người tiêu dùng qua mạng, Ý mới là nơi cung cấp nhiều loại vang nhất, phù hợp với thị hiếu nhiều người nhất.

Thưởng thức rượu vang là cả một nghệ thuật, từ khi mở nắp chai rượu, quan sát, cảm nhận đều phải rất tinh tế. Mở rượu vang phải thật nhẹ nhàng trước tiên để cho cặn rượu khỏi bay bổng lên. Không được mở kêu đánh “bốp”một cái vì mở rượu vang không giống với mở rượu Champagne. Nhìn nút chai là đã biết ít nhiều rượu non già ra sao và có hư hỏng không. Ngửi nút chai là có thể biết được dạng của rượu ở trong chai ra sao. Rượu non, nút mới thì mùi của nút mạnh hơn tức là mùi của vỏ cây liège được lấy để làm nút chai ý. Rượu già thì nút đã được thấm rượu nhiều hơn và có thể biết được là rượu đã hỏng rồi vì đã quá tuổi quá lâu rồi. Rượu được rót ra một ít trước để nếm xem rượu có hư hay không.

Khi rót rượu phải thật nhẹ nhàng, không được nhiễu ra bàn, không được đầy ly. Rót vào khoảng hai phần ba của cái ly, cách rót này dành cho các loại rượu vang đỏ nói chung, có nghĩa là các loại rượu vang uống với nhiệt độ bình thường của cái phòng ăn hay phòng uống rượu.

Rót vào khoảng nửa ly hay non nửa ly, thì để dành cho hết tất cả các loại rượu vang uống lạnh. Nếu rót nhiều quá mà người uống không nhanh thì rượu sẽ bị ấm lên mất, cho nên mới phải rót ít rượu vang còn lại ở trong chai nằm ở trong cái xô nước đá. Các loại rượu vang khác nhau cũng cần được thưởng thức ở các nhiệt độ lý tưởng khác nhau.