Lạc vào quá khứ tại lễ hội Carnival, Venice

Được đánh giá là một trong những lễ hội mùa xuân hấp dẫn nhất thế giới, Lễ hội carnival hằng năm ở  Venice, Italy luôn thu hút số lượng lớn du khách từ khắp nơi trên thế giới.
Lễ hội hóa trang Venice lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1296. Sau một thời gian khá dài gián đoạn, lễ hội được khôi phục vào năm 1980 và được tổ chức đều đặn hàng năm cho đến nay. Mỗi năm lễ hội mang một chủ đề khác nhau nhưng đều  nhằm tôn vinh văn hóa và tạo nên những ngày hội vui vẻ cho người dân đầu năm mới. Trong suốt thời gian hai tuần, quảng trường St. Mark, các rạp hát, đường phố và tòa nhà công sở trở thành sàn diễn của các diễn viên, người làm xiếc, vũ công, nhạc sĩ… khiến người ta có cảm giác như đang sống ở thế kỷ XVII.
Mặt nạ là nét đặc trưng nhất của lễ hội hóa trang Venice. Những nghệ nhân làm mặt nạ cũng có vị trí riêng được tôn trọng trong xã hội, với những phường hội và luật lệ riêng của họ. Mặt nạ hóa trang thường được làm bằng da hoặc bằng giấy bồi theo kỹ thuật truyền thống. Ngày nay, mặt nạ còn được làm từ thạch cao, vàng lá và luôn được vẽ tay, thêm các chi tiết trang trí bằng lông chim, đá quí. Lavra là loại mặt nạ phổ biến và đặc trưng nhất của Venice, làm bằng sáp và thạch cao trắng như hình hồn ma, họa tiết đơn giản, nhưng có các chi tiết trang trí trên mũ cầu kỳ.
Vào dịp lễ hội hóa trang, các cung điện, vườn hoa đều mở cửa, khắp nơi người ta chơi nhạc và khiêu vũ. Những ban nhạc ngoài trời, những nhóm hề lưu động, trong ngõ nhỏ, trên quảng trường, luồn theo mọi con kênh trên những chiếc thuyền gỗ gondole, cả Venice sống trong âm nhạc và màu sắc.
Khắp thành phố, suốt ngày đêm, đâu đâu cũng tưng bừng những hoạt động của lễ hội, những ban nhạc ngoài trời, những vở kịch tự phát, những anh hề xanh đỏ, và kết thúc bằng một buổi khiêu vũ lớn tại Quảng trường San Marco. Buổi khiêu vũ của những người dân Venice, những người đã lâu lắm rồi mới lại được sống trong bầu không khí lễ hội tưng bừng như vậy.